Truyện ngắn Nam Cao
TRUYỆN NGẮN NAM CAO
Tập sách gồm có hai mươi bốn truyện ngắn sáng tác trong giai đoạn trước Cách mạng
Chí Phèo : Truyện ngắn chọn lọc / Nam Cao. – H : Văn học, 2001. – 252 tr ; 19 cm. Đầu trang tên sách ghi : Văn học hiện đại Việt nam .
“ Chí Phèo ” , một truyện ngắn bất hủ của Nam Cao , truyện ngắn làm tên tuổi nhà văn trở nên nổi tiếng ngay khi vừa xuất hiện (năm 1941) . Những sáng tác trong tập truyện ngắn này cho thấy ngòi bút của ông luôn luôn bám sát hiện thực đời sống, xây dựng được những hiện tượng điển hình về hai loại nhân vật mà ông quen thuộc và am hiểu : người nông dân và người trí thức tiểu tư sản .
NAM CAO
Với những truyện ngắn:
Chí Phèo , Dì Hảo , Lão Hạc , Một đám cưới , Nghèo , Đời thừa , Nước mắt vv...
Nam Cao đã khẳng định một tiếng nói mới, một phong cách mới trong dòng văn học hiện thực giai đoạn ( 1930 – 1945 ) .
Cái đáng quý ở Nam Cao là sự kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa tính chân thực khách quan trong từng chi tiết miêu tả đời sống, khắc hoạ chân dung và tính cách nhân vật với một tấm lòng yêu thương tha thiết những con người, những số phận, những cuộc đời nghèo khổ bị chà đạp, dập vùi .
Bạn đọc thân mến !
Sẽ là một thiếu sót nếu chúng ta không đi sâu vào nội dung của từng câu chuyện trong cuốn sách .
Mở đầu tập sách là một truyện ngắn với tên gọi
“ Chí Phèo ”một tác phẩm nổi tiếng mà ai ai cũng biết đến .
Mở đầu chuyện ta bắt gặp ngay từ trang đầu một chân dung méo mó, một Chí Phèo ngật ngưỡng trên đường say.Hình ảnh Chí vừa đi vừa chửi, nghiến răng lại mà chửa : Chửi đời,chửi trời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi đứa nào không chửi nhau với hắn, chửi “ đứa . . . đã đẻ ra hắn ”, còn bộ dạng hắn với “ cái ngực phanh ra, cái đầu trọt lóc, răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen , hai mắt gườm gườm trông gớm chết ...”, đã khắc vào ấn tượng người đọc hình ảnh của một con người đang trên đường tha hoá .
Cuộc đời Chí Phèo cứ dần dần được nhà văn tái hiện như một đoạn phim bi thảm . Hắn cũng đã từng là một thanh niên “ Hiền như cục đất ”, từng có những ước mơ bình dị, lương thiện về một mái nhà tranh có chồng làm thuê, vợ dệt vải . Nhưng thật trớ trêo do đâu mà hắn lại bị tù tội, đoạ đày để rồi hắn lại rơi vào cạm bẫy tinh vi của kẻ thù, bị ràng buộc lại trong uy quyền của Bá Kiến .
Tác phẩm tố cáo đến sâu xa những thủ đoạn lừa bịp, tha hoá người nông dân của một bè lũ thống trị phong kiến cấu kết với thực dân .
Cuộc đời hắn cứ thế mà trôi đi ... Và người đem lại cho hắn cái tình người ấy là Thị Nở , một người đàn bà được miêu tả “Xấu ma chê quỷ hờn”, vừa dở hơi vừa nghèo khổ .Cách miêu tả hơi quá cường điệu của nhà văn nhưng nó lại góp một phần lớn và vô cùng sâu sắc .
Một người đàn bà mà xã hội cho là bỏ đi vậy mà lại có thể đánh thức được một chút lương tâm cuối cùng le lói trong Chí Phèo, điều đó mang ý nghĩa tố cáo mãnh liệt cái xã hội không hề chứa chất được một chút tình người nào.
Bát cháo hành của Thị nở,vừa là liều thuốc giải cảm, vừa là sự cảm thông,chút tình người ấm áp đến với Chí Phèo.chỉ một chút tình người ấy thôi cũng đủ mang lại cho hắn ý nghĩa cuộc sống - điều đó vừa cảm động vừa xót thương làm sao.
Cùng với câu chuyện “ Chí Phèo ” là truyện “ Lão Hạc ” . Lão Hạc là một nông dân nghèo khổ, cùng quẫn, nhưng không bị biến chất như Chí Phèo, mà trái lại có một tâm hồn đẹp, một nhân cách cao thượng .
Lão sống một thân , một mình trong tuổi già cô đơn vất vả . Lão chỉ có đứa con trai duy nhất để nương tựa thì anh ta lại phẫn chí bỏ đi phu điền cao su – “Cao su đi dễ khó về ”- .Lão Hạc đành phải làm thuê , làm mướn kiếm ăn lần hồi .Đồng thời cố nhặt nhạnh, dành dụm cho con .
Dù có đói khổ ăn củ khoai,củ ấu ...nhưng ông không đụng vào số tiền gọi là của con trai. Hiếm có người cha nào thương yêu con như lão Hạc. Nghèo khó nhưng lúc nào lão cũng nghĩ đến bổn phận làm cha, lo làm tròn bổn phận ấy, dẫu có phải chịu đói, chịu rét và chết bi thảm. Cái chết của lão Hạc để lại cho chúng ta, cùng với nổi xót thương vô hạn, nhiều bài học quý. Bài học sâu sắc nhất là giữa người với người .
Bạn đọc thân mến !
Còn rất nhiều truyện nữa muốn giới thiệu ra đây. Mỗi câu truyện mang một ý nghĩa, sắc thái riêng nhưng như thế còn gì là hấp dẫn bằng việc tự mình đọc, tự mình suy ngẫm. Có thể nói tập truyện ngắn “ Chí Phèo ” là món quà quý giá mà tác giả đã dành tặng cho bạn đọc .
Hy vọng với tập truyện ngắn này , bạn đọc sẽ học thêm nhiều điều bổ ích và ta có thể thấy lại cuộc sống cơ cực của người nông dân trước Cách mạng ra sao. Đồng thời cũng thấy được thành công nhất định , những mặt mạnh, mặt yếu của trào lưu văn học này để bổ sung cho những kiến thức về bộ môn văn học trong nhà trường .